CV hay “sơ yếu lý lịch” – thường được coi là một trong những cửa ải hóc búa đối với rất nhiều học sinh, sinh viên và người đi làm trong quá trình ứng tuyển các công việc mong muốn. Để vượt qua nỗi lo về CV, rất nhiều người đã không ngừng tìm kiếm những “bí kíp” để vượt ải thành công mà quên mất rằng, cách tốt nhất để trở nên tốt hơn là học hỏi từ chính những sai lầm của bản thân và từ người khác. Vậy nên bài viết dưới đây sẽ trình bày những ví dụ điển hình của việc chúng ta hay tự “hạ thấp” chất lượng CV của mình và cách khắc phục những lỗi sai ấy như thế nào để quẳng gánh lo CV đi mà vui sống!
Table of Contents
1. Lỗi sai và cách khắc phục lỗi sai trong phần thông tin cá nhân
Địa chỉ Email không đủ trang trọng
(Ví dụ: cobemuadong12345@gmail.com)
Rất nhiều ứng viên cho rằng địa chỉ email chỉ là một chi tiết nhỏ và nhà tuyển dụng sẽ không để ý tới. Tuy nhiên, dù chỉ là một chi tiết nhỏ thôi cũng có thể thể hiện được sự chuyên nghiệp của bạn, và vì thế, bạn luôn cần giữ sự chỉn chu, đặc biệt là khi Email được cho là một trong những phương tiện liên lạc quan trọng nhất trong môi trường làm việc. Địa chỉ email cần được viết một cách nghiêm túc, bao gồm (họ) tên bạn (có thể thêm ngày sinh), tuy nhiên, không nên đặt quá dài.
Ví dụ: vuhoangan29@gmail.com
Lỗi sai về chính tả và lỗi soạn thảo văn bản
Đôi khi chúng ta dành sự chú ý quá nhiều cho những \”tips\” đao to búa lớn, mà quên mất rằng trước hết, chúng ta cần làm đúng những điều căn bản. Những điều căn bản ở đây bao gồm chính tả, sự nhất quán về kiểu chữ, cách dòng, thẳng hàng… Đây đều là những điều mà mọi ứng viên đều nên lưu ý cẩn thận trong việc soạn thảo bất kì văn bản nào, không chỉ riêng CV.
Nếu vướng phải lỗi này, rất có thể sẽ đem đến trải nghiệm tiêu cực tới cảm nhận của nhà tuyển dụng đối với nội dung của CV, thể hiện sự không chỉn chu, cẩn thận và là điểm trừ rất lớn về tính chuyên nghiệp trong công việc mà nhà tuyển dụng khó có thể bỏ qua.
Để tránh gặp những lỗi này, ngoài việc chú ý cẩn thận hơn, bạn có thể khắc phục bằng cách dùng một số công cụ kiểm tra chính tả trên mạng như Grammarly (đối với tiếng Anh) hay phần mềm tinySpell (đối với tiếng Việt).
2. Phần học vấn
CV bao gồm quá trình học từ cấp 1 và 2
Một trong số những sai lầm thường gặp ở những người mới bắt đầu tập tành viết CV là luôn liệt kê các trường học trong suốt tất cả các cấp học. Nhưng trên thực tế, điều này là không cần thiết. Bạn chỉ nên đề cập đến trình độ học vấn từ bậc phổ thông trở lên với công thức khuyến nghị như sau:
Tên trường – Bằng cấp – Chuyên môn – Thời gian tốt nghiệp – Loại tốt nghiệp
Tuy nhiên, \”loại tốt nghiệp\” chỉ nên được đề cập nếu bạn tốt nghiệp loại khá/giỏi trở lên.
Ngoài ra, tại phần này, bạn cũng có thể đề cập đến các khóa học kỹ năng mềm/ khóa học bổ trợ cho công việc (nếu có). Nhưng cần lưu ý rằng, những khóa học bạn liệt kê chỉ nên là những khóa học có tính chuyên môn cao với thời gian học kéo dài trừ 6 tháng trở lên.
3. Kinh nghiệm làm việc
Chỉ liệt kê tên công ty/ tổ chức
Kể cả bạn có từng thành công trong việc tìm được một vị trí thực tập tại một công ty tiếng tăm, sẽ luôn có những nhà tuyển dụng không biết hoặc không quan tâm đến danh tiếng của công ty đó. Vậy nên thông thường, bạn nên áp dụng cách khắc phục là đưa ra một mô tả ngắn về công ty bạn từng làm việc (Ví dụ: ABC – Công ty xuất nhập khẩu hàng may mặc XYZ).
Liệt kê tầm nhìn/ sứ mệnh/ các dự án của công ty
Những thành tựu đã đạt được và tương lai tươi sáng của công ty thật đáng tự hào và xứng đáng để cho lên CV… của giám đốc hay người sáng lập công ty, chứ không phải CV của bạn. Kể cả công ty của bạn có là startup chưa ai biết đi chăng nữa, nhà tuyển dụng luôn không cần biết công ty đã làm gì, mà cần biết BẠN đã làm gì.
Vậy nên việc bạn cần làm là nêu rõ vị trí công việc của mình. Bạn từng làm việc ở phòng ban nào? Chức vụ bạn đảm nhận là gì? Những đóng góp của bạn khi đứng ở vị trí ấy ra sao? Trả lời được những câu hỏi trên sẽ góp phần giúp bạn giải quyết được thiếu sót này.
Copy&Paste phần mô tả công việc (JD)
Đây là một trong những lầm tưởng phổ biến nhất mà các bạn hay mắc phải. Các đoạn mô tả công việc thường rất chung chung, vừa là những thông tin mà những nhà tuyển dụng đã biết, vừa không phản ánh được kinh nghiệm thực sự của ứng viên. Hơn thế nữa, nếu như hàng trăm ứng viên đều copy & paste JD giống nhau lên CV của mình, đâu là cơ hội để bạn khác biệt?
Để khắc phục, trước tiên, bạn cần lưu ý về giới hạn tối đa của một phần mô tả công việc chỉ nên dài 3-4 dòng nhằm cô đọng công việc của mình để dễ dàng hơn cho nhà tuyển dụng đọc thông tin. Cần phải viết mạch lạc, rõ ràng, đi vào cụ thể và nổi bật những kinh nghiệm phù hợp với vị trí ứng tuyển, giúp nhà tuyển dụng hiểu được chính xác phạm vi công việc của bạn là gì.
4. Thành tích cá nhân
Cố gắng nhồi nhét tất cả thành tích
Điều này có lẽ đến từ tâm lý chung của các bạn là không biết sàng lọc chi tiết nào là quan trọng nhất, nên tốt nhất là đưa tất cả vào. Tuy nhiên, đứng từ góc độ của nhà tuyển dụng, do họ phải đọc rất nhiều CV, nên họ luôn có xu hướng muốn tìm thấy những chi tiết nổi bật nhất của ứng viên một cách nhanh nhất có thể. Một CV kín đặc hay quá dài (3-4 trang) mà cố gắng nhồi nhét thông tin sẽ cản trở điều này và rất có thể còn tạo tâm lý không tốt cho nhà tuyển dụng.
Để điều này được khắc phục, các bạn có thể thử “tự làm khó” mình bằng cách áp dụng những quy tắc sau:
- CV chỉ gói gọn trong 1 trang
- Font chữ Time New Roman, cỡ chữ 11
- Margin 0.8-1
- Bỏ cách ít nhất 1 dòng trống giữa mỗi phần chính
Sau đó lựa chọn những nội dung ấn tượng nhất trong profile của mình để đưa vào CV, và thẳng tay loại ra những hoạt động cũ, ngắn hạn hay ít nổi bật hơn. Ngoài ra, phần mô tả của các hoạt động cũng cần ngắn gọn hết mức có thể.
5. Mục kỹ năng
Luôn mặc định việc sử dụng \”thanh năng lượng skills\”
Khác với điểm số, hoạt động, hay các giải thưởng, kỹ năng là thứ cụ thể nhất mà nhà tuyển dụng có thể nhìn vào để đánh giá xem bạn có tiềm năng làm được việc ở công ty/tổ chức của họ hay không.
Thế nhưng việc sử dụng những \”thanh năng lượng\” có thể sẽ đem đến tác dụng ngược vì tính tin cậy của chúng là không cao. Chắc hẳn bạn sẽ không nỡ để thanh nào ngắn hơn quá nhiều so với những thanh còn lại – hoặc bạn sẽ bị nhà tuyển dụng thấy điểm yếu của mình. Hoặc trong trường hợp bạn thật sự giỏi, bạn cũng chưa chắc sẽ để \”max năng lượng\” vì sợ bị đánh giá là không khiêm tốn. Tóm lại, để an toàn nhất, bạn thường sẽ để cái nào cũng ở mức 70-80%.
Còn nếu bạn muốn giúp nhà tuyển dụng so sánh các skills của bạn với nhau thì cách này hoàn toàn vô dụng. 80% của \”market research” chưa chắc đã tốt hơn 60% của \”data analysis\”, nhưng “thanh năng lượng” lại làm cho có vẻ như vậy. Cũng giống như bạn không thể khẳng định giữa quả cam và quả táo quả nào ngọt hơn. Nếu nhà tuyển dụng đang cần quả táo, thì kể cả quả táo hơi chua cũng tốt hơn quả cam ngọt, đúng không nào?
Tóm lại, một trong những điều nhà tuyển dụng muốn nhìn thấy nhất trên CV là những kỹ năng phù hợp cho công việc họ đang tuyển. Vì thế, muốn khắc phục điều này, thay vì liệt kê những kỹ năng cơ bản, chung chung thì cần tập trung vào những kỹ năng thế mạnh của mình mà phù hợp với yêu cầu công việc và có thể tận dụng bullet point để nhấn mạnh những kỹ năng mình đã học/ áp dụng được trong quá trình thực tập/ làm việc ở một nơi nào đó.
6. Kết luận
Bài viết đã tổng hợp lại một số lỗi cơ bản và thường gặp mà bạn đọc có thể gặp phải trong quá trình viết CV. Hãy xem ngay lại nếu trên CV của bạn đang có những lỗi tự làm mờ nhạt bản thân như trên. \”Có công mài sắt có ngày nên kim\” – Vietnam Management Consulting tin rằng chỉ cần bạn không bỏ cuộc, luôn cố gắng cải thiện bản thân và theo dõi các bài viết định kỳ trên website, bạn nhất định sẽ thành công.