Table of Contents
Bên cạnh 4Ps, mô hình 3C cũng là một công cụ phân tích tình hình kinh doanh được các marketer sử dụng vô cùng phổ biến. Tuy nhiên, nếu 4Ps đặt đối tượng trọng tâm là một hay nhiều sản phẩm nhất định, mô hình 3C lại đánh giá rộng hơn về chiến lược kinh doanh của toàn bộ công ty.
1. Mô hình 3C là gì?
Cha đẻ của mô hình này chính là Kenichi Ohmae – một chiến lược gia, một nhà tư vấn quản trị nổi tiếng. Ông tin rằng để đạt được thành công, bất kỳ chiến lược kinh doanh nào cũng phải tập trung vào ba yếu tố:
- Customer (khách hàng)
- Competitor (đối thủ)
- Company (công ty)
1.1. Customer
Ở mục này, doanh nghiệp cần trả lời được hai câu hỏi chính:
- Ai là khách hàng của mình?
- Chính xác thì họ muốn điều gì?
Nói thì đơn giản, nhưng để đưa ra được đáp án, cần phải phân tích và tổng hợp từ rất nhiều yếu tố như: nhân khẩu học, phân khúc thị trường, xu hướng tăng trưởng của các phân khúc và những nhân tố ảnh hưởng đến hành vi tiêu dùng khác… Ngoài ra, cũng cần phải hiểu rõ những nhu cầu nơi khách hàng mà sản phẩm có thể đáp ứng, cũng như mức giá mà họ sẵn sàng bỏ ra để mua nó. Chân dung khách hàng (audience profile) càng rõ ràng và chi tiết, tỷ lệ thành công của các quyết định dựa trên nó sẽ càng cao.
1.2. Competitor
Như người xưa hay nói: “Biết địch biết ta, trăm trận trăm thắng\”, sau khi đánh giá khách hàng, hiểu rõ đối thủ cạnh tranh là việc không thể bỏ qua. Những câu hỏi điển hình khi phân tích yếu tố này bao gồm:
- Sản phẩm của họ là gì, giá cả như thế nào và đang chiếm bao nhiêu phần trăm thị phần?
- Những điểm mạnh yếu của họ là gì?
- Chiến lược tiếp thị của họ là gì, được triển khai như thế nào?
- Định vị thương hiệu của họ trên thị trường là gì?
Nói cách khác, điều doanh nghiệp cần làm ở đây chính là tiến hành một case study chi tiết về những đối thủ cạnh tranh của mình. Một khi làm được điều này, doanh nghiệp sẽ có những hiểu biết cần thiết để ra những quyết định khôn ngoan hơn trong kinh doanh, hay ít nhất là tránh được việc bị đè bẹp bởi đối thủ.
1.3. Company
Trong câu nói phía trên, sau “biết địch\” chính là “biết ta\”. Đúng vậy, việc hiểu rõ mình là ai, mình muốn làm gì và có khả năng làm gì, mình có thế mạnh hay điểm yếu nào, nguồn lực của mình là bao nhiêu… là một điều vô cùng quan trọng. Bởi lẽ, làm sao định vị thương hiệu trong lòng khách hàng được khi bản thân doanh nghiệp còn không biết mình là ai? Làm sao biết nên cạnh tranh như thế nào nếu không biết điểm mạnh yếu của bản thân?
Để phân tích tốt yếu tố này, các chuyên gia thường khuyến khích dùng phương pháp SWOT.
2. Mô hình 3C trong giải case
Nhìn chung, nhờ việc phân tích và đánh giá ba yếu tố trên, mô hình 3C giúp những nhà quản lý, điều hành có cái nhìn tổng quan về tình hình và thị trường kinh doanh trước khi ra bất kỳ quyết định nào. Mô hình này hữu dụng nhất khi áp dụng vào giải những case study như: mở rộng kinh doanh, xâm nhập vào một thị trường tiềm năng hay phát triển một sản phẩm mới.
3. Lời kết
Việc sử dụng những mô hình phân tích kinh doanh nói chung và mô hình 3C nói riêng một cách hiệu quả sẽ giúp doanh nghiệp xây dựng được những chiến lược khôn ngoan giúp đạt được mục tiêu đề ra.